#SUCCESS-STORIES: KHÔNG BAO GIỜ MUỘN ĐỂ BẮT ĐẦU

Dung Vu Kathy
February 29, 2024
Cá nhân hóa trong tập luyện là câu chuyện không mới nhưng chưa thực sự được đánh giá đúng tầm quan trọng trong ngành Fitness tại Việt Nam. #Success-Stories là series bài viết của STEEL, được xây dựng trên những câu chuyện thực tế, nhằm đem đến cái nhìn gần hơn vào quá trình đồng hành của các PT cùng khách hàng với thể trạng, tính cách, lối sống khác nhau. Trên hết, đó là câu chuyện về nỗ lực đem đến những trải nghiệm phù hợp, môi trường tập luyện lý tưởng và kết quả tối ưu cho từng cá nhân. Bởi mỗi con người là một cá thể độc nhất, và chẳng bao giờ có một công thức chung cho tất cả.

Nhiều người cho rằng việc tập gym chỉ dành cho tuổi trẻ. Bởi nhẽ, để có thể nâng những mức tạ cả chục cân chắc hẳn phải cần dùng đến rất nhiều sức mạnh - điều mà có vẻ như người ta chỉ dư thừa khi còn ở tuổi đôi mươi. Thế nhưng trên thực tế, con người dù ở giai đoạn nào trong cuộc đời cũng đều mong muốn có một sức khỏe tốt. Những năm gần đây, rất nhiều người lớn tuổi tìm đến phòng gym để cải thiện những vấn đề về thể chất. Và câu chuyện của cô Anu - 50 tuổi, từng có thời gian công tác và sinh sống tại Sài Gòn là một trong số đó. 

Trong tập thứ 2 của series #Success-Stories, chúng ta sẽ cùng trò chuyện cùng Coach Dung - người đồng hành của cô Anu trong 8 tháng tập luyện tại Việt Nam để hiểu hơn về hành trình cô vượt qua nỗi sợ, thay đổi bản thân để có một cuộc sống khỏe mạnh và tích cực hơn. 

Chân dung khách hàng: 

- Độ tuổi: 50 tuổi

- Mục tiêu tập luyện: giảm cân, giảm mỡ

- Thời gian tập luyện: 8 tháng - từ 10/2021 đến 06/2022

- Thể trạng trước khi tập: thừa cân, nguy cơ máu nhiễm mỡ, theo chế độ ăn chay

Khách hàng đến với bạn với thể trạng, lối sống và chế độ ăn uống ban đầu như thế nào? 

Cô Anu có tạng người thừa cân, cân nặng ban đầu của cô khi đến tập tại STEEL là 92 kg. Ở tuổi 50, mức trọng lượng này gây cho cô rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe, ví dụ như đầu gối yếu hơn do phải chống đỡ sức nặng dành cho cơ thể, hay trong lần khám mới nhất với bác sĩ, cô phát hiện mình có nguy cơ cao mắc máu nhiễm mỡ.

Cô chia sẻ rằng mình là một người theo chế độ ăn chay, không tiêu thụ thịt nhưng vẫn ăn những sản phẩm từ trứng, sữa (Vegetarian). Theo dõi thực đơn ban đầu của cô, mình nhận ra rằng các bữa ăn của cô có lượng tinh bột (carbs) khá lớn. Ngoài ra, cô có thói quen uống rượu vào cuối tuần và ăn nhiều phô mai, đồ chiên rán…

Do tính chất công việc, cô thường xuyên làm tại nhà. Mặc dù chưa từng đến phòng gym nhưng cô vẫn có ý thức nhất định trong việc phải giữ cơ thể luôn vận động bằng việc thường xuyên đi bộ, đi bơi và tham gia các hoạt động thể chất nhẹ nhàng để tránh việc cơ thể phải ngồi một chỗ quá lâu. 

Mục tiêu chính mà khách hàng muốn đạt được khi tập luyện là gì? 

Mục tiêu chính của cô Anu là giảm cân, giảm mỡ để có một cuộc sống khỏe mạnh hơn và ngăn các vấn đề bệnh lý khi tuổi đã cao. 

Phương pháp tiếp cận ban đầu của bạn với khách hàng này như thế nào? 

Vì là một người hoàn toàn mới với tập gym, chưa từng sử dụng tạ, ban đầu cô có tâm lý khá e ngại trong việc phải tập những bài nặng. Điều này cũng dễ hiểu bởi thông thường, việc di chuyển và vận động của cô cũng đã khó khăn do cơ thể nặng nề và sức còn yếu. Vì vậy, mình quyết định cho cô tập các dạng bài phù hợp với trọng lượng cơ thể như những (biến thể của bài squats như box squat kết hợp với dây band trợ lực) bài squats không dùng tạ, các bài tập trên sàn hoặc thảm thay vì gánh hoặc nâng tạ trong giai đoạn đầu của quá trình tập luyện.

Sau 2-3 tuần tập theo phương pháp này, mình quan sát thấy cô đã bắt đầu quen với các chuyển động. Đó là khi mình dần dần đưa những mức tạ nhẹ vào. Các bài tập với tạ sẽ duy trì ở mức đơn giản, ví dụ như Goblet squat, Step-up và Pulldown. Mình không ép cô phải tập những bài gánh tạ sau lưng vì có thể khiến cô sợ và dễ nản. 

Ngoài việc tập luyện trên phòng tập, mình cũng cổ vũ cô đi bộ mỗi ngày, với mục tiêu ban đầu là từ 5000-6000 bước. Chỉ sau khoảng 3-4 tháng, cô đã tự giác nâng mức đi bộ của mình lên 10000 bước/ngày. Điều này giúp cô đốt nhiều calo, tiêu hao năng lượng hơn và từ đó giảm cân nhanh và hiệu quả hơn. Quan trọng hơn hết là cô đã hình thành được thói quen đi bộ mỗi sáng mà không cần sự nhắc nhở. Đó là một thay đổi tích cực khiến mình rất tự hào.

Về mặt dinh dưỡng, sau khi theo dõi chế độ ăn trước đây của cô, mình phát hiện lượng đạm hàng ngày không đủ để giúp xây dựng cơ bắp. Đây cũng là một vấn đề khá phổ biến đối với những người ăn chay. Từ đó, mình xây dựng một bản hướng dẫn thực hành chế độ ăn, đưa cô lời khuyên trong việc lựa chọn thực phẩm cho đủ chất, giảm các đồ ăn dầu mỡ không tốt cho sức khỏe, bổ sung thêm đạm… từ bột whey protein thực vật. 

Trong quá trình tập luyện, bạn điều chỉnh và cá nhân hóa bài tập như thế nào để tối ưu hiệu quả với khách hàng? 

Sau khi đánh giá các chỉ số, kết hợp với việc quan sát cô hàng tuần, mình nhận ra cô có sức mạnh ở phần thân trên, vì vậy mình cổ vũ cô tập trung vào những bài tập lưng, tay và vai, với mục đích chính là tạo cho cô động lực và tinh thần rằng mình có thể “làm được”. 

Ban đầu khi thiết kế chương trình tập, mình đưa vào nhiều bài tập full body để giảm mỡ đều trên toàn thân. Tuy nhiên sau đó, cô Anu chia sẻ với mình rằng cô muốn tập trung hơn vào mục tiêu giảm mỡ bụng để có thể tự tin hơn khi diện những chiếc đầm ôm sát body. Đó là lúc mình nhận ra rằng khi xây dựng lộ trình tập luyện cho khách hàng, mình không thể chỉ dựa trên những điều mình nghĩ là tốt nhất, mà việc cân nhắc đến mong muốn, nhu cầu của họ là điều vô cùng quan trọng. Nếu điều mình muốn khác với thứ họ cần, sớm muộn sau một thời gian, khách hàng sẽ nản vì họ chưa thể đạt được những điều mà họ mong đợi. 

Sau cuộc trao đổi với cô Anu, mình quyết định cân đối lại chương trình tập luyện, tăng từ 2 lên 4 bài tập bụng. Do cô đã lớn tuổi và tạng người lớn nên mình phải cân nhắc lựa chọn những bài mang tính chất đơn giản, giảm tối đa chấn thương lưng dưới mà cô vẫn có thể cảm nhận rõ ràng sự căng, đau cơ. 

Một điểm cần lưu ý đối với những người lớn tuổi có mức cân nặng lớn là họ phải chịu áp lực nhiều lên khớp gối, khiến cho việc tập các bài tạ hay squats rất khó khăn. Vì vậy, mình hết sức cẩn thận trong việc giúp cô làm quen với các chuyển động này một cách đúng kỹ thuật, rồi từ từ mới đưa mức tạ nhẹ vào. Vừa hướng dẫn, mình phải sát sao quan sát thái độ, phản ứng đau mỏi cơ sau buổi tập và lắng nghe chia sẻ của cô để liên tục điều chỉnh độ khó, tìm ra một công thức tối ưu nhất. 

Còn kết quả đạt được của khách hàng sau khi tập luyện ra sao? 

Sau 8 tháng tập luyện cùng mình, từ một người lớn tuổi gặp khó khăn trong việc ngồi dậy và vận động, cô đã có thể squat được đúng kỹ thuật. Cân nặng của cô cùng các số đo như đùi, bụng, bắp tay cũng giảm. Tuy nhiên, thay đổi quan trọng nhất nằm ở chỉ số mỡ máu trong cơ thể. Sau khi tái khám, chính cô cũng bất ngờ bởi chỉ số giảm rõ rệt, gần như không còn nguy cơ mắc mỡ máu nữa. Đó là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy tác động hiệu quả của việc tập luyện đối với cô Anu.

 

Sự thay đổi tích cực còn đến từ khía cạnh tinh thần. Cũng như nhiều người lớn tuổi khác, cô Anu ban đầu đến phòng tập với tâm lý rất e dè, sợ mình không đủ sức, không làm được. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, mình cảm thấy rõ sự tự tin trong cô lớn dần. Cô sẵn sàng thử những mức tạ nặng hơn mà không còn chần chừ, rồi chinh phục nó. Hiện tại, mặc dù đã trở về Ấn Độ, cô vẫn giữ thói quen tập luyện hàng ngày. Đó cũng là điều mà những huấn luyện viên như mình mong muốn nhất - giúp khách hàng nhận ra tiềm năng thật sự ở bản thân và chủ động duy trì một lối sống khỏe mạnh, thay vì chỉ phụ thuộc vào phòng tập.