Cá nhân hóa trong tập luyện là câu chuyện không mới nhưng chưa thực sự được đánh giá đúng tầm quan trọng trong ngành Fitness tại Việt Nam. #SUCCESS-STORIES là series bài viết của STEEL, được xây dựng trên những câu chuyện thực tế, nhằm đem đến cái nhìn gần hơn vào quá trình đồng hành của các PT cùng khách hàng với thể trạng, tính cách, lối sống khác nhau. Trên hết, đó là câu chuyện về nỗ lực đem đến những trải nghiệm phù hợp, môi trường tập luyện lý tưởng và kết quả tối ưu cho từng cá nhân. Bởi mỗi con người là một cá thể độc nhất, và chẳng bao giờ có một công thức chung cho tất cả.
Thoát vị đĩa đệm là một tình trạng bệnh lý mà nhiều người mắc phải trong xã hội hiện đại. Nguyên nhân phổ biến thường đến từ quá trình vận động, sinh hoạt, làm việc sai tư thế hoặc các chấn thương dẫn đến đĩa đệm và cột sống bị tổn thương. Ngoài các giải pháp như trị liệu, phẫu thuật; việc tập luyện đúng cách cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hồi phục và cải thiện tình trạng này.
Chị Vanny là một khách hàng tại STEEL, đã gặp phải vấn đề thoát vị đĩa đệm trong vài tháng. Trong tập 10 của series SUCCESS-STORIES, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về hành trình cải thiện tình trạng bệnh lý, đồng thời nâng cao sức khỏe và phát triển vóc dáng của chị sau hơn 3 tháng tập luyện. Câu chuyện được kể lại thông qua bài phỏng vấn với Coach Thế Hưng - người đồng hành cùng chị Vanny tạo nên những thay đổi ấn tượng.
Chân dung khách hàng:
- Độ tuổi: 26.
- Mục tiêu tập luyện: khỏe, vui, cải thiện tình trạng bệnh lý.
- Thời gian tập luyện: 3,5 tháng.
- Thể trạng trước khi tập: thoát vị đĩa đệm.
Khi đến với STEEL, chị Vanny đã mắc thoát vị đĩa đệm được một vài tháng. Mặc dù tình trạng không quá nặng, chị vẫn phải đối mặt với nhiều bất tiện trong cuộc sống, đặc biệt là những cơn đau mỏi lưng. Trước đây, chị cũng từng trải qua quá trình tập luyện với mong muốn cải thiện vấn đề này nhưng không đem lại hiệu quả như kỳ vọng.
Là một doanh nhân trẻ bận rộn, giống như nhiều khách hàng khác tại STEEL, chị Vanny thường không có nhiều thời gian để quan tâm quá nhiều đến việc ăn uống, dinh dưỡng. Chị ăn theo sở thích và thói quen chứ không theo một chế độ cụ thể nào.
Chị Vanny đến phòng tập với mục đích nâng cao sức khỏe, cải thiện tình trạng thoát vị và tìm kiếm một môi trường để giải tỏa áp lực sau những giờ làm việc mệt mỏi. Vì bận rộn, biết rằng mình không có quá nhiều thời gian để theo sát lịch trình hay những yêu cầu trong tập luyện và dinh dưỡng nên chị cũng không đặt nặng mong muốn về vấn đề thay đổi ngoại hình.
Bản thân mình cũng là người vừa trải qua một khoảng thời gian mắc phình đĩa đệm, tình trạng khá nhiều điểm tương đồng với chị Vanny nên mình có thể hiểu được cảm giác, những bất tiện và phương pháp để cải thiện nó.
Để giảm các triệu chứng đau do thoát vị, mình tập trung vào những bài tập thiên về core, rehab phần lưng. Bên cạnh đó, đối với những người gặp chấn thương, bệnh lý đặc biệt, việc tập luyện đúng kỹ thuật rất quan trọng, giúp tránh làm tình trạng nặng lên. Vì vậy, mình tập trung điều chỉnh lại các chuyển động cơ bản cho chị sao cho chính xác, đảm bảo quá trình tập diễn ra thật an toàn và đem lại hiệu quả cao nhất.
Về dinh dưỡng, thay vì tiếp cận theo hướng bắt buộc phải ăn theo một thực đơn cụ thể, mình theo dõi chặt chẽ từng bữa ăn của chị Vanny. Hàng ngày, vào mỗi bữa, chị sẽ chụp lại hình ảnh và tham khảo gợi ý của mình về việc nên ăn gì, uống gì và ăn/uống với lượng bao nhiêu là vừa phải. Cách này sẽ phù hợp và khả thi hơn nhiều trong trường hợp của chị Vanny, bởi những người bận rộn như chị khó có thể theo được kế hoạch ăn uống cố định được xây dựng bởi một người khác.
Việc xây dựng kế hoạch tập luyện cho chị Vanny đòi hỏi sự cân nhắc và cẩn thận hơn nhiều so với những trường hợp thông thường do vấn đề về bệnh lý. Mình phải dành nhiều thời gian trao đổi, quan sát và đánh giá để tìm ra những mức tạ phù hợp nhất, không quá nặng để ảnh hưởng đến vùng chấn thương, nhưng vẫn đủ để có tác động tích cực lên cơ thể. Ngoài ra, mình cũng khuyến khích chị massage sau mỗi buổi tập để giảm bớt sự căng cơ, tránh chấn thương và cho cơ thể được thư giãn.
Sau một thời gian tập luyện và cảm thấy các bài tập đem lại hiệu quả trông thấy, thể hiện qua sự thay đổi hình thể và triệu chứng thoát vị giảm đi rõ rệt, chị Vanny đã yêu cầu nâng tần suất tập từ 1-2 buổi/tuần lên 4 buổi/tuần. Khi đó, mình cần tính toán, điều chỉnh và phân bố lại các bài tập cho hợp lý với lịch trình mới.
Chị Vanny chia sẻ với mình rằng muốn trải đều số lượng bài tập ra các ngày trong tuần. Việc tập quá nặng trong 1-2 buổi khiến chị cảm thấy mệt và căng thẳng. Dựa vào đó, mình phần chia lại khối lượng tập luyện hợp lý, giảm từ 6-7 bài/buổi trước đây xuống 3-4 bài/buổi, kết hợp với tập cardio. Bằng cách này, mỗi buổi tập sẽ nhẹ nhàng hơn, chỉ kéo dài trong khoảng 1 tiếng đổ lại, nhờ vậy mà sau khi tập, chị vẫn có sức để tiếp tục sinh hoạt và duy trì năng lượng trong các buổi tập tiếp theo của tuần.
Sau khoảng 3 tháng tập luyện đều đặn, hình thể của chị có sự thay đổi trông thấy: bụng nhỏ hơn, cơ mông và lưng phát triển, cơ thể tôn lên những đường cong rõ ràng.
Đặc biệt, các triệu chứng đau mỏi lưng gần như không còn nữa. Trước đây khi mới phát hiện tình trạng thoát vị, cơ và xương của chị còn rất nhạy cảm, công việc lại đòi hỏi phải di chuyển, đi đứng nhiều nên thường xuyên ảnh hưởng đến phần lưng bị tổn thương. Sau khi tập trung vào những bài phát triển Core, Rehab lưng, phần core trong cơ thể chị dần dần khỏe lên, rồi thích ứng và không còn cảm nhận những cơn đau nữa.
Khi gặp những vấn đề về chấn thương trong cơ thể, nhiều người không muốn tập luyện vì lo ngại có thể khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Trường hợp của chị Vanny là một minh chứng rõ ràng rằng vận động có thể mang lại tác động tích cực bất ngờ, trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả trong việc điều trị, miễn sao tình trạng được đánh giá thật cẩn thận và có một phương pháp đúng đắn, phù hợp.
Cảm ơn những chia sẻ của Coach Thế Hưng.