#SUCCESS-STORIES-3: TẬP MÀ KHÔNG "ĐÔ"

Thao Cao
December 16, 2024
Cá nhân hóa trong tập luyện là câu chuyện không mới nhưng chưa thực sự được đánh giá đúng tầm quan trọng trong ngành Fitness tại Việt Nam. #Success-Stories là series bài viết của STEEL, được xây dựng trên những câu chuyện thực tế, nhằm đem đến cái nhìn gần hơn vào quá trình đồng hành của các PT cùng khách hàng với thể trạng, tính cách, lối sống khác nhau. Trên hết, đó là câu chuyện về nỗ lực đem đến những trải nghiệm phù hợp, môi trường tập luyện lý tưởng và kết quả tối ưu cho từng cá nhân. Bởi mỗi con người là một cá thể độc nhất, và chẳng bao giờ có một công thức chung cho tất cả.
Tập mà không đô

Một nỗi lo phổ biến của nữ giới khi đến phòng tập là hình thể trở nên to và thô hơn khi các cơ vận động và phát triển quá mức. Điều này đôi khi biến thành nỗi ám ảnh và khiến rất nhiều người ngần ngại trong việc tập luyện tối đa khả năng, vì vậy cũng làm hiệu quả của những bài tập giảm đi trông thấy. 

Trong tập 4 của series #SUCCESS-STORIES, chúng ta sẽ cùng khám phá câu chuyện đầy cảm hứng của chị Laure, quốc tịch Pháp từng làm việc tại Sài Gòn. Giống như nhiều người khác, chị cũng mang nỗi lo lắng về hình thể và khao khát tìm lại sự tự tin.

Khi đến với STEEL, bài toán chị đặt ra là làm sao để giảm cân và cải thiện vóc dáng với các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp, tránh cơ thể trở nên "quá to" hay "đô". Qua sự hướng dẫn tận tâm của Coach Thảo Lam, chị Laure đã tìm thấy một lộ trình tập luyện hiệu quả và khoa học, mang lại những thay đổi rõ rệt sau 3 tháng.

Hãy cùng lắng nghe hành trình "chậm mà chắc" của chị, để hiểu rằng không có thành công nào là ngẫu nhiên, mà tất cả đều bắt nguồn từ sự kiên trì và một chiến lược phù hợp. Đừng bỏ lỡ câu chuyện này – bạn có thể sẽ tìm thấy động lực cho chính mình! 

Chân dung khách hàng:

- Độ tuổi: 30 tuổi.

- Mục tiêu tập luyện: giảm cân, thon gọn vóc dáng.

- Thời gian tập luyện: 3,5 tháng.

- Thể trạng trước khi tập: dáng người cân đối nhưng chưa khỏe bền, ăn ít.

Khách hàng đến với bạn với thể trạng, lối sống và chế độ ăn uống ban đầu như thế nào? 

Chị Laure đến STEEL vài tháng trước khi tổ chức đám cưới. Mặc dù có dáng người khá cân đối, chị vẫn muốn cân nặng giảm và thon gọn hơn nữa để có thể khoác lên mình bộ váy cưới đẹp nhất. Một điểm đặc biệt ở chị Laure là sự nhạy cảm với từng thay đổi nhỏ trên cơ thể. Điều này khiến chị có thói quen ăn rất ít, mỗi bữa chỉ ăn một lượng nhỏ hạt dinh dưỡng, hay vài quả chà là, hoặc bữa tối với một chút sushi. Tuy nhiên, do đặc thù công việc kinh doanh tiệm bánh, chị lại thường xuyên phải nếm thử đồ ngọt. Chế độ ăn ít cộng với không thường xuyên tập thể dục khiến sức bền của chị vẫn còn yếu, không có nhiều năng lượng. 

Trước đây, chị Laure cũng từng thử tập luyện để giảm cân nhưng không hiệu quả, vì thế chỉ khi đám cưới đã gần kề, chị mới quyết tâm đến phòng gym để chăm chút cho vóc dáng hoàn hảo hơn. 

Phương pháp tiếp cận ban đầu của bạn với khách hàng này như thế nào? 

Vì dáng người của chị Laure vốn đã khá cân đối, vừa vặn với chiều cao, chỉ vì ít có cơ hội vận động nên vẫn còn yếu và lỏng lẻo, nên mình hướng chị đến những bài tập toàn thân, tập tạ nhẹ. Điều này giúp chị có thể vận động toàn diện cả cơ thể để dần dần hướng đến mục tiêu đề ra. 

Để đảm bảo dinh dưỡng cho sức khỏe tốt, cung cấp đủ năng lượng sinh hoạt và tập luyện, mình cũng cổ vũ để chị tăng khẩu phần ăn trong ngày, hướng đến các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, vì lo ngại cân nặng có thể tăng lên nên chị vẫn ngần ngại và không dám ăn nhiều. 

Vậy sau đó, bạn thay đổi hướng tiếp cận với chế độ ăn của chị như thế nào?

Như đã chia sẻ, ban đầu mình yêu cầu chị Laure ăn theo thực đơn mà mình đã xây dựng, với khẩu phần nhiều hơn so với thói quen ăn trước đây của chị. Tuy nhiên, trong quá trình quan sát, mình cảm thấy chị vẫn còn nhiều băn khoăn và nghi ngại trong việc áp dụng phương pháp này. Điều đó cũng dẫn đến việc chị không duy trì và thực hiện nó hiệu quả. 

Hiểu được điều này, mình thay đổi cách tiếp cận. Thay vì ép buộc chị vào một chế độ do mình đặt ra, mình trò chuyện, phân tích về những vấn đề trong dinh dưỡng và cùng nhau thảo luận, tìm cách để thay đổi nó.

Ví dụ, mình đưa ra những dẫn chứng khoa học, những câu chuyện thực tế về việc ăn quá nhiều đồ ngọt có thể ảnh hưởng xấu đến cơ thể như thế nào, cho chị những gợi ý về việc làm sao để giảm bớt nó, lắng nghe chị chia sẻ về những khó khăn, đi sâu vào những mong muốn thật sự của chị, và cuối cùng là cho chị chủ động lựa chọn cách làm mà chị thấy thoải mái, phù hợp nhất với mình.

Bằng cách này, bản thân chị Laure sẽ nắm quyền chủ động trong dinh dưỡng và chế độ ăn. Còn mình sẽ đóng vai trò là người tư vấn, truyền cảm hứng và đồng hành bên chị. Sự thay đổi khi ấy sẽ không đến từ việc ép buộc mà bắt nguồn từ chính bản thân chị. Mình tin rằng điều đó mới tạo nên tác động lâu dài. 

Trong xây dựng chương trình tập luyện, bạn làm thế nào để cá nhân hóa các bài tập để mang lại hiệu quả tối ưu với khách hàng?

Chị Laure có ấn tượng xấu với việc tập tạ, cho rằng nó có thể khiến người chị to và đô hơn nên hoàn toàn không thích những bài tập sử dụng tạ. Nắm được tâm lý này, mình chuyển sang dùng các loại tạ nhẹ với tần suất 1 lần/tuần, kết hợp với việc phân tích và giải thích cho chị hiểu những hiểu nhầm về việc tập tạ làm to người.

Để chị có tâm lý thoải mái nhất, mình tập trung vào những bài tập kháng lực kết hợp cùng dây band và bóng. Phương pháp này sẽ giúp kiềm chế nỗi sợ to người của chị mà vẫn đủ để các cơ săn lại và phát triển. 

Đối với mình, khi làm việc với khách hàng, tùy từng thể trạng, tính cách, mình phải có những cách tiếp cận khác nhau phù hợp nhất. Đôi khi, có nhiều lý thuyết mình cho là tốt, là hiệu quả nhưng khách hàng lại không thích và không cảm thấy phù hợp.

Nếu cứ ép buộc sẽ gây cảm giác chán nản, và về lâu dài khách cũng dễ từ bỏ. Vì vậy những PT như mình phải có sự linh hoạt điều chỉnh để khách cảm thấy thoải mái và tự tin với phương pháp của mình. 

Trong trường hợp của chị Laure, sau khi trò chuyện và quan sát, mình cảm thấy chị không thích bị bắt ép phải làm theo những luật lệ cứng nhắc. Đó là lúc mình biết rằng cần phải buông những áp đặt của mình xuống để tìm một phương án tối ưu đem lại hiệu quả lâu dài.

Việc kiên nhẫn lắng nghe với một tâm lý cởi mở giúp mình hiểu hơn về những mong muốn, băn khoăn của chị trong tập luyện, từ đó giao tiếp hiệu quả và tìm được giải pháp tốt cho bài toán chị đặt ra. 

Kết quả đạt được của chị Laure sau quá trình tập luyện cùng bạn như thế nào? 

Sau hơn 3 tháng tập luyện với cường độ 1-2 buổi/tuần, chị đã giảm được ~4kg, đạt mục tiêu cân nặng đề ra ban đầu. Cơ thể chị thon gọn hơn, các số đo tay, eo, mông, đùi giảm từ 4 đến 9cm.

Bên cạnh đó, các cơ cũng săn chắc và khỏe mạnh chứ không còn lỏng lẻo và yếu như ban đầu. Đường cong trên cơ thể cũng rõ ràng hơn, đúng như kỳ vọng của chị để khoác lên mình chiếc váy cưới cho ngày trọng đại. 

Bạn trai và giờ đã là chồng chị, cũng rất ngạc nhiên về sự thay đổi tích cực, không chỉ về hình thể mà tinh thần của chị cũng cực kỳ thoải mái chứ không hề mệt mỏi. Quan trọng nhất, chị đã tự điều chỉnh được chế độ dinh dưỡng phù hợp với bản thân, để vừa cung cấp đủ năng lượng, vừa duy trì vóc dáng cân đối. 

Không chỉ đơn thuần là sự chau chuốt hình thể để đẹp hơn trong hôn lễ, sự thay đổi tích cực về tư duy trong dinh dưỡng và vận động ấy mới là giá trị quan trọng mà chị Laure đã có được sau quá trình tập luyện, là nền tảng để chị xây dựng một lối sống khỏe mạnh hơn sau này.

Cảm ơn những chia sẻ của Coach Thảo Lam.